ĐÁNH GIÁ CÁC LOẠI VÀ HỆ THỐNG PHANH XE MÁY HIỆN NAY

Hệ thống phanh là một trong những trang bị rất quan trọng mà mẫu xe nào cũng cần có để người lái điều chỉnh tốc độ và đảm bảo vận hành an toàn. Vậy trên thị trường có các loại phanh xe máy nào? Hãy cùng Yamaha tìm hiểu rõ hơn về bộ phận này, nguyên tắc hoạt động và đánh giá ưu nhược điểm của từng loại nhé!

1. Tìm hiểu rõ phanh xe máy là gì?

Phanh xe (thắng xe) là bộ phận tạo ma sát, giúp làm giảm tốc độ của bánh xe đang chuyển động.

Nguyên tắc sử dụng phanh xe máy:

  • Đối với xe số: bóp tay phanh bên phải đối với phanh bánh trước. Đạp cần phanh ở phía chân phải đối với phanh bánh sau.
  • Đối với xe tay ga: Phanh bánh trước sử dụng tay phanh bên phải. Bóp tay phanh bên trái kích hoạt phanh bánh sau.

2. Đánh giá các loại phanh xe máy hiện nay

Về cấu tạo, phanh xe máy có 2 loại: phanh tang trống và phanh đĩa.

2.1 Phanh tang trống

Phanh tang trống (phanh cơ, phanh guốc hoặc phanh đùm) thường gặp ở dòng xe số phân khúc giá rẻ hoặc những dòng xe máy đời cũ.

cac-loai-phanh-xe-may

Hình ảnh phanh cơ trên mẫu xe Yamaha Sirius chính hãng.

Cấu tạo bao gồm:

  • Trống phanh
  • Guốc phanh
  • Má phanh
  • Các bộ phận truyền lực khác.

Nguyên tắc hoạt động:

  • Phanh tang trống được lắp trực tiếp lên trục của xe máy với hai bố thắng hình vòng cung (chúng được ghép lại với nhau). Khi bạn bóp phanh, dây cáp tác động lên thanh điều chỉnh phanh, truyền lực đến ống phanh và pít-tông để ép chặt má phanh và trống phanh nhằm tạo ra lực ma sát. Bánh xe ngay lập tức sẽ giảm tốc độ quay và dừng hẳn.

Ưu điểm:

  • Giá thành rẻ, dễ bảo dưỡng và sửa chữa.
  • Cấu tạo kín giúp phanh tang trống ít bị tác động bởi môi trường bên ngoài, tránh được các ảnh hưởng từ bùn đất, cát, đá…

Hạn chế:

  • Lực phanh không quá lớn, chỉ phù hợp với các loại xe máy có dung tích xy lanh dưới 150cc hoặc xe máy có dung tích xy lanh cao hơn nhưng chạy ở tốc độ thấp.
  • Sau khi đi mưa hoặc trong điều kiện ẩm ướt, nước dễ đọng lại bên trong phanh, dễ gây rỉ sét và ảnh hưởng hiệu suất.
  • Thiết kế kém thẩm mỹ hơn so với phanh đĩa.

2.2 Phanh đĩa

Phanh đĩa (hay phanh dầu) ngày càng được sử dụng phổ biến, không chỉ mang đến tiện ích an toàn, mà còn giúp tăng tính thẩm mỹ cho phương tiện.

phanh-xe-may

Hình ảnh phanh đĩa trên mẫu xe Yamaha Janus đời mới.

Cấu tạo bao gồm:

  • Đĩa phanh
  • Piston chính và piston con
  • Má phanh
  • Ống dẫn dầu
  • Tay phanh
  • Khay chứa dầu có vạch báo lượng dầu.

Nguyên tắc hoạt động:

  • Khi người lái đạp vào bàn đạp phanh, áp suất dầu trong đường ống dầu và xi lanh của bánh xe tăng lên, đẩy piston và má phanh ép vào đĩa phanh. Lực ma sát giữa má phanh, đĩa phanh và moay-ơ làm bánh xe giảm dần tốc độ và dừng lại theo yêu cầu của người lái.

Ưu điểm:

  • Phanh chính xác, tiến trình ngắn.
  • Kết cấu gọn nhẹ, thiết kế thẩm mỹ.
  • Có khả năng tỏa nhiệt tốt.
  • Khả năng thoát nước tốt.

Hạn chế:

  • Giá thành và chi phí bảo dưỡng cao.

Bảng so sánh phanh tang trống và phanh đĩa xe máy:

Các tiêu chí Phanh tang trống Phanh đĩa
Hiệu quả phanh Trung bình. Tốt hơn.
Yêu cầu bảo dưỡng Dễ bảo dưỡng. Dễ bảo dưỡng, nhưng cần thực hiện thường xuyên.
Môi trường hoạt động Vận hành tốt ở nhiều điều kiện khác nhau. Dễ bị hao mòn, hư hỏng do tác động của môi trường bên ngoài.
Giá cả Thấp hơn. Cao hơn.

Hiện nay, phanh đĩa được ứng dụng ở hầu hết các dòng xe máy đời mới. Tuy nhiên nếu phanh gấp ở tốc độ cao thì dễ dẫn đến nguy cơ trượt xe. Hoặc nhiều chị em phụ nữ có thói quen chỉ bóp phanh trước ngay cả khi đi với tốc độ thấp cũng có thể gây ra nguy hiểm.

Chính vì vậy để đảm bảo an toàn tối đa cho khách hàng, nhà sản xuất đã trang bị các hệ thống hỗ trợ phanh với công nghệ hoàn toàn hiện đại.

3. Tìm hiểu các hệ thống hỗ trợ phanh xe máy

Hiện trên thị trường, đáng chú ý nhất là sự ra đời của hai hệ thống phanh ABS và CBS. Mỗi hệ thống có cấu tạo, cách thức hoạt động, độ an toàn khác nhau.

3.1 Công nghệ phanh ABS

ABS (Anti-Locking Brake System) là hệ thống chống bó cứng phanh, nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro xảy ra trong tình huống phanh khẩn cấp.

Cấu tạo phanh ABS gồm 4 bộ phận chính: bộ điều khiển trung tâm (ECU), thiết bị cảm biến đo tốc độ, bơm và van điều chỉnh áp lực phanh.

Nguyên lý hoạt động: Khi người lái bóp phanh trong tình huống khẩn cấp, hệ thống điều khiển tự động điều chỉnh áp suất dầu phanh với cơ chế bóp nhấp – nhả, giúp má phanh liên tục kẹp – nhả đĩa phanh (thay vì kẹp và ghì chặt như trên phanh thường). Nhờ vậy mà bánh xe vẫn có thể quay với tốc độ chậm dần mà không bị kẹp cứng, đồng thời giữ được độ bám, tránh hiện tượng trượt dài trên đường dẫn đến mất cân bằng.

Ưu điểm:

  • Khả năng chống bó cứng đĩa phanh tốt, giúp xe giữ độ bám và thăng bằng.

Hạn chế:

  • Quãng đường phanh khá lớn.
  • Giá thành cao hơn các hệ thống phanh khác.

3.2 Công nghệ phanh CBS

CBS (Combi Brake System) là hệ thống phanh kết hợp, phân bổ lực phanh đồng thời xuống 2 cụm phanh ở bánh trước và sau.

Cấu tạo phanh CBS: Kết cấu đơn giản và gọn nhẹ với hệ thống dây phanh và một bộ điều chỉnh áp lực phanh.

Nguyên lý hoạt động: Khi người lái bóp phanh trong tình huống bất ngờ, lực phanh sẽ được bộ điều chỉnh áp lực phanh phân phối đều xuống cả hai cụm phanh trước và sau. Nhờ vậy thao tác phanh chính xác, giảm quãng đường phanh và đảm bảo an toàn tối đa.

Ưu điểm:

  • Tối ưu quãng đường phanh.
  • Kết cấu đơn giản, giá thành thấp, xuất hiện phổ biến ở nhiều mẫu xe.

Hạn chế:

  • Xảy ra tình trạng bó cứng đĩa phanh khi phanh gấp hoặc trong điều kiện đường trơn ướt.

3.3 Giữa ABS và CBS: Hệ thống nào an toàn hơn?

Nhìn chung công nghệ ABS an toàn hơn, bởi nó hỗ trợ người lái trong những tình huống bất ngờ. Đặc biệt với những đối tượng có tay lái yếu như chị em phụ nữ thì công nghệ này càng cần thiết.

Hiện nay Yamaha cũng đã trang bị hệ thống phanh ABS ở một số mẫu sản phẩm như: NVX, FreeGo, Grande, Exciter thế hệ mới.

phanh-xe-may

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS giúp bánh xe không bị khóa cứng khi bóp phanh đột ngột – tính năng được kỳ vọng trên xe Yamaha Exciter.

4. Những lưu ý để tăng tuổi thọ cho phanh xe máy

Để bộ phận này được sử dụng bền lâu, bạn cần thực hiện phanh đúng kỹ thuật và bảo dưỡng thường xuyên.

4.1. Thực hiện trình tự phanh đúng cách

Dưới đây là một số hướng dẫn về kỹ thuật phanh xe gắn máy an toàn mà bạn cần biết:

  • Không nên dùng riêng phanh trước vì sẽ tạo lực ma sát lớn, dễ gây nguy hiểm. Còn nếu chỉ sử dụng phanh sau thì lực ma sát yếu hơn, xe sẽ trượt dài hơn khi phanh. Cách tốt nhất là sử dụng đồng thời cả 2 phanh sau và phanh trước cùng một lúc để đạt hiệu quả cao nhất và đảm bảo an toàn dù ở bất cứ loại đường nào.
  • Tuyệt đối không phanh khi xe đang rẽ hoặc đi vòng, chỉ nên phanh khi xe đang đi thẳng.
  • Sử dụng lực phanh phù hợp: bóp mạnh thắng từ nhẹ đến mạnh dần đều, giúp mang đến hiệu quả phanh tốt hơn.

4.2. Bảo dưỡng định kỳ theo khuyến nghị của nhà sản xuất

Dầu và má phanh là 2 phụ kiện cần được bảo dưỡng hoặc thay thế khi cần thiết. Cụ thể:

Dầu phanh: Dầu phanh khô cạn có thể làm hư hại piston, mòn mất lớp tráng mạ, không tạo lực và độ kín. Vì vậy xe đi cứ khoảng 20.000 km, bạn hãy thay dầu phanh một lần. Mỗi loại xe sử dụng loại dầu riêng và thường được ghi trên khay chứa dầu.

Má phanh: Má phanh mòn dẫn đến khi tiếp xúc với đĩa phanh sẽ tạo nhiệt độ cao, làm cong vênh, mài mòn đĩa phanh. Để tránh tình trạng này, sau khoảng 20.000 km, bạn hãy kiểm tra và thay má phanh một lần.

cac-loai-phanh-xe-may

Má phanh tang trống (phanh cơ) chính hãng Yamaha sử dụng cho các dòng xe: Taurus, Sirius, Jupiter, Exciter (135 cũ), Luvias, Nozza, Grande, Acruzo, Janus, NVX.

Để xe được bảo dưỡng tốt nhất thì bạn nên đến các đại lý chính hãng. Đối với những người đang sử dụng xe máy Yamaha, hãy đến ngay đại lý của Yamaha với hơn 1.000 cửa hàng trên toàn quốc. Tìm đại lý Yamaha TẠI ĐÂY.

> Xem thêm: Bảo dưỡng xe máy định kỳ và những lưu ý cần nhớ

Hy vọng sau bài viết, bạn có thể hiểu rõ hơn về đặc tính, thiết kế của các loại phanh xe máy hiện nay. Hãy sử dụng đúng cách và bảo dưỡng phanh xe định kỳ để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến đi!