Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2020, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cùng Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Văn phòng Thường trực) chính thức ký chương trình phối hợp công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả/ hàng xâm phạm quyền đối với lĩnh vực xe máy tại Việt Nam.
Buôn lậu, gian lận thương mại và hảng giả từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối của xã hội, để lại những hệ lụy không nhỏ đến đời sống của người dân. Đặc biệt, vấn đề này đang ngày càng thể hiện sự gia tăng trong lĩnh vực xe máy tại Việt Nam, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường, đồng thời đem lại những thách thức không nhỏ cho các cơ quan chức năng. Những quy định pháp luật đối với vấn đề này đang được các cơ quan nghiêm túc nghiên cứu và cải thiện, tập trung mọi nguồn lực phòng chống và chấm dứt triệt để.
Trước bối cảnh tác động của tình hình kinh tế – chính trị trên thế giới cũng như những rằng buộc của Hiệp định thương mại giữa các nước trong khu vực và trên thế giới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA), Chính Phủ đã ban hành những chỉ đạo mạnh mẽ về vấn đề sở hữu trí tuệ nhằm xây dựng một bộ khung điều tra, quản lý, xử phạt hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, bản thân là những nhà sản xuất phương tiện di chuyển thiết yếu hàng ngày cho người dân Việt Nam, các thành viên hiệp hội VAMM cảm thấy được trách nhiệm to lớn trong công cuộc phòng chống và xử lý những hành vi giả mạo và gian lận các sản phẩm thuộc mặt hàng xe máy để người tiêu dùng Việt Nam yên tâm và tự tin sử dụng các nguồn hàng có chất lượng đảm bảo, tăng an toàn và giảm rủi ro bị trục lợi. Theo nghiên cứu của Hiệp hội ngành công nghiệp xe máy châu Á (FAMI) thì Má phanh, Đĩa phanh, Lọc dầu, Pít tông và Dây cu roa giả là mối nguy đặc biệt nghiêm trọng về an toàn đối với người tiêu dùng. Nếu những phụ tùng này được bán cho khách hàng sử dụng với chất lượng thấp thì nguy cơ mất an toàn khi sử dụng là rất cao, dẫn đến các tình huống tai nạn giao thông nguy hiểm không đáng có. Tình trạng dùng hàng giả/ hàng xâm phạm quyền và gian lận trong thương mại còn có ảnh hưởng mang tính vĩ mô lên nền kinh tế của đất nước thông qua sự thất thu thuế của Nhà nước, việc nhập siêu cũng như giảm sức hút đầu tư,… Do vậy, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực xe máy nói riêng sẽ đem đến lợi ích to lớn cho nhà nước, doanh nghiêp và người tiêu dùng, góp phần vào mục tiêu chung cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Sau một thời gian làm việc và nhận được sự chấp thuận từ phía cơ quan ban ngành, VAMM cùng với Văn phòng Thường trực thực hiện ký chương trình phối hợp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả/ hàng xâm phạm quyền trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xe máy (dự kiến tăng số vụ việc xử lý vi phạm đối với lĩnh vực xe máy hàng năm lên đến 120%). Theo đó, hai bên tham gia chương trình sẽ thường xuyên trao đổi thông tin, tài liệu và tình hình có liên quan đến các hành vi vi phạm; phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi; phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xe máy; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các lực lượng chức năng, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả/ hàng xâm phạm quyền liên quan đến mặt hàng xe máy (dự kiến sẽ tổ chức 06 buổi hội thảo, tập huấn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng xe máy); tham mưu xây dựng cơ chế chính sách liên quan.
Chương trình phối hợp sẽ có hiệu lực thi hành trong thời hạn hai năm là 2020 và 2021. Sau khi kết thúc thời hạn, hai bên phối hợp sẽ cùng nhìn lại và đánh giá kết quả để có cơ sở cho những mục tiêu lâu dài và mạnh mẽ hơn nữa trong các giai đoạn tiếp theo. Thông qua các hoạt động phối hợp sâu rộng, các bên hợp tác hy vọng đẩy lùi được tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực xe máy nhờ sự vào cuộc tích cực của lực lượng hỗ trợ từ các bộ ban ngành.