Thư mời nghiên cứu tăng cường an toàn giao thông cho người sử dụng xe máy

VAMM đã kết hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia hình thành quỹ nghiên cứu ATGT xe máy, nhằm tài trợ cho những nghiên cứu tìm ra các nguyên nhân và đề ra các giải pháp giúp cho người sử dụng xe máy an toàn, hiệu quả và bền vững hơn.

Thư mời

V/v đề xuất nghiên cứu tăng cường ATGT cho người sử dụng xe máy

1. Sự cần thiết của đề xuất nghiên cứu về ATGT cho người sử dụng xe máy

Xe máy hiện đang được sử dụng như một phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trên cả nước. Xe máy có những ưu điểm nổi trội như tính cơ động cao, linh hoạt, phù hợp với mọi loại đường xá, chi phí mua xe hợp lý, tiện lợi trong sử dụng,là phương tiện giao thông phổ thông tại mọi vùng miền của đất nước… do đó trong những năm tới đây xe máy sẽ vẫn tiếp tục là phương tiện đi lại chủ đạo của người dân Việt Nam.

Trong điều kiện hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam còn chưa phát triển do nguồn ngân sách hạn hẹp, VTHKCC chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, trong khi ô tô quá đắt đỏ và khó lưu thông do hạn chế của kết cấu hạ tầng, xe máy là một phương tiện nâng cao tính cơ động linh hoạt trong đi lại, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của đại bộ phận người dân cũng như góp phần phát triển kinh tế trong lưu thông hàng hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm kể trên, xe máy là phương tiện có nguy cơ tai nạn giao thông cao nhất trong số những phương tiện cơ giới đường bộ một phần nguyên nhân là do số lượng người sử dụng cao và phần nhiều chưa được đào tạo kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn một cách đầy đủ. Trên thế giới, người đi xe máy luôn được xếp vào dạng dễ bị tổn thương do tính năng  an toàn chưa cao của xe máy (với tốc độ thiết kế khá cao trong khi tính năng an toàn thấp hơn ô tô). Theo thống kê tại Việt Nam, tai nạn giao thông đối với người đi xe máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Có quan điểm cho rằng xe máy cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị qua việc tạo nên những khu vực dân cư với ngõ nhỏ mà chỉ loại xe này có thể đi được. Tính linh hoạt, cơ động của xe máy cũng tạo nên nhiều vấn đề về trật tư an toàn văn minh đô thị: đỗ xe tùy tiện trên vỉa hè, dừng đỗ sai quy định, đi xe máy trên vỉa hè, lấn làn, đỗ xe trong nhà, vượt đèn đỏ… khả năng cơ động của xe máy cũng khiến nhiều người dân lạm dụng xe máy, sử dụng xe máy vào nhiều chuyến đi mà họ hoàn toàn có thể đi bộ hoặc đi xe đạp…

Trong điều kiện của Việt Nam, khi thu nhập còn ở mức thấp và khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông cho ô tô còn hạn chế, xe máy vẫn là phương tiện đi lại thường xuyên của người dân, và một yêu cầu cấp bách là cần khai thác tối đa lợi thế của xe máy, trong khi giảm thiểu tối đa những yếu điểm của xe máy.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế này, VAMM đã kết hợp với UBATGTQG hình thành quỹ nghiên cứu ATGT xe máy, nhằm tài trợ cho những nghiên cứu tìm ra các nguyên nhân và đề ra các giải pháp giúp  cho người sử dụng xe máy an toàn, hiệu quả và bền vững hơn.

2. Đối tượng tham gia đề xuất nghiên cứu.

Chương trình nghiên cứu này chấp nhận những đề xuất đến từ các cá nhân, đơn vị tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam, cụ thể là các chuyên gia, các trường đại học, các tổ chức nằm trong trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức không phải là các cơ quan quản lý nhà nước hoặc không trực thuộc các cơ quan quản lý nhà nước.

Cá nhân đăng ký cần có kinh nghiệm thực hiện các dự án có liên quan, có trình độ chuyên môn phù hợp, đảm bảo thực hiện được dự án như đề xuất.

Cơ quan đăng ký phải có tư cách pháp nhân, có con dấu tài khoản theo quy định của pháp luật.

Chương trình không tài trợ cho các cá nhân, đơn vị tổ chức có liên quan hoặc nhận tài trợ từ các lĩnh vực công nghiệp giải khát có cồn, thuốc lá.

3. Các chủ đề đề tài nghiên cứu đề xuất.

Phương tiện xe máy đặt ra rất nhiều vấn đề cần được giải quyết trong thời gian sắp tới, từ hành vi sở hữu và sử dụng xe máy, các phản ứng và hành vi của người sử dụng xe máy, đến yêu cầu về kỹ thuật phương tiện, yêu cầu về môi trường, các giải pháp đảm bảo an toàn cho người đi xe máy, công tác sơ cấp cứu, công tác cưỡng chế thực thi pháp luật với xe máy, công tác truyền thông và quản lý mũ bảo hiểm, sát hạch và kiểm tra sức khỏe lái xe, kỹ năng tham gia giao thông cho người đi xe máy.

Trong năm 2015-2016, một số chủ đề ưu tiên bao gồm:

3.1 Tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên: Nguyên nhân tai nạn giao thông xe máy tại tỉnh Thái Nguyên và các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông xe máy.

1. Hiện trạng giao thông xe máy trên địa bàn tỉnh?

a. Điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ

b. Hiện trạng phương tiện mô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh (số lượng xe lưu hành thực tế, cơ cấu theo hãng, theo năm SX,..)

c. Hiện trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh (số lượng, cơ cấu theo tuổi, giới tính, dân tộc,..)

2. Tình hình công tác bảo đảm TTATGT cho người đi mô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh?

a. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người đi mô tô, xe máy

b. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX

c. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi pham

d. Công tác cấp cứu, chữa bệnh cho nạn nhân TNGT

3. Nguyên nhân tai nạn giao thông xe máy trên địa bàn tỉnh? Nguyên nhân chi tiết, đặc biệt là những nguyên nhân liên quan đến con người

a. Hạ tầng?

b. Phương tiện?

c. Con người?

4. Giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho người đi mô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh?

a. Hạ tầng?

b. Con người?

c. Phương tiện?

d. Cưỡng chế thi hành pháp luật?

e. Hỗ trợ sau TNGT?

5. Các kiến nghị thay đổi về chính sách, pháp luật?

3.2. Chủ đề 2: Nguyên nhân tai nạn giao thông xảy ra với trẻ em (<18 tuổi)

1) Đánh giá thực trạng GTVT TP HCM

a. Điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ

b. Hiện trạng phương tiện cơ giới: ô tô, mô tô, xe máy trên địa bàn thành phố (số lượng xe lưu hành thực tế, cơ cấu theo hãng, theo năm sản xuất…)

c. Hiện trạng người tham gia giao thông trên một số trục chính (số lượng, cơ cấu theo tuổi, giới tính, dân tộc,..)

2) Thực trạng tai nạn giao thông với trẻ em trên địa bàn thành phố HCM

a. Thống kê TNGT toàn thành phố

b. Thống kê TNGT toàn thành phố với trẻ em

c. Phân tích các nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông với trẻ em

3) Các giải pháp đảm bảo ATGT cho trẻ em khi tham gia giao thông

a. Về con người

b. Về phương tiện

c. Về cơ sở hạ tầng

d. Về tổ chức quản lý giao thông

e. Về quy hoạch

f. Về cơ chế chính sách

4) Các kiến nghị thay đổi về chính sách, pháp luật?

a. Các văn bản luật

b. Các văn bản dưới luật

c. Các thay đổi trong tuyên truyền giáo dục, truyền thông

3.3. Chủ đề 3: Nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe máy tại  thành phố Hồ Chí Minh

1) Thực trạng về GTVT và phương tiện xe máy tại tỉnh

a. Điều kiện kinh tế xã hội

b. Điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ

c. Hiện trạng phương tiện mô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh (số lượng, cơ cấu theo hãng, theo năm SX,..)

d. Hiện trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh (số lượng, cơ cấu theo tuổi, giới tính, dân tộc,..)

2) Điều tra khảo sát hành vi sở hữu và sử dụng xe máy tại nông thôn

a. Điều tra hành vi sở hữu và sử dụng xe máy (giải thích cụ thể hơn)

b. Điều tra thuộc tính dòng giao thông xe máy (giải thích cụ thể hơn)

c. Điều tra hành vi tham gia giao thông của người sử dụng xe máy (giải thích cụ thể hơn)

3) Xây dựng mô hình phản ánh mối quan hệ giữa các chính sách về xe máy và hành vi sở hữu/sử dụng xe máy

a. Đầu vào xây dựng mô hình

b. Các nội dung chính trong mô hình

c. Kết quả đầu ra mô hình

4) Các kiến nghị về chính sách pháp luật

4. Mẫu đăng ký và các mốc thời gian

Mẫu đăng ký có thể tải từ trang web của UBATGTQG & trang web của VAMM tại đây

Xem hướng dẫn đánh giá các đề xuất nghiên cứu về an toàn giao thông xe máy 2015 tại đây

Hạn chót nộp: 17h:00 ngày 28/6/2015.

Mẫu đăng ký gửi đến địa chỉ email: haitranntsc@gmail.com & sp_dtn_nguyen@honda.com.vn (thư ký của VAMM)

Thời gian nghiên cứu: 4 tháng (Báo cáo cuối cùng 30/11/2015).

5. Yêu cầu đối với bản đề xuất của các tổ chức/cá nhân nghiên cứu

Bản đề xuất của tổ chức/cá nhân nghiên cứu cần làm rõ những vấn đề dưới đây:

– Phương pháp nghiên cứu

– Đối tượng nghiên cứu

– Số lượng mẫu phân tích

– Nhân lực nghiên cứu

– Các mẫu báo cáo chi tiết

– Báo giá chi tiết